Kính thưa các thầy giáo, cô giáo, cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Chiến tranh đã lùi xa, sống trong những năm tháng không bom đạn, trong niềm hạnh phúc của những người dân trên một đất nước hòa bình, ổn định, nhưng mỗi khi gợi nhắc lại nỗi đau về những năm tháng khốn khó trong bom rơi đạn lửa mà biết bao con người đã hi sinh đánh đổi để có được cuộc sống ấm êm yên bình hôm nay, mỗi chúng ta hẳn đều có chút bồi hồi, đau xót
Trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và bảo vệ tổ quốc, quân và dân tỉnh Hải Dương đã có những cống hiến và hy sinh to lớn cùng cả nước, làm nên những chiến thắng vẻ vang, góp phần giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Hải Dương có trên 30 vạn thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, trong đó có 38.941 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên khắp chiến trường, 21.099 thương binh và 8.968 bệnh binh. Không chỉ có những chiến sĩ trên chiến trường đánh giặc mà Hải Dương còn có cả những chiến sĩ thầm lặng ở địa phương, tạo nên những phòng tuyến vững chắc, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ và bảo vệ tổ quốc.
Những chiến sĩ thầm lặng đó đã đóng góp nhiều chiến công trên các mặt trận: đấu tranh chính trị, chống giặc tàn phá quê hương, xóm làng; đấu tranh bất khuất trong các nhà tù cách mạng...Những chiến sĩ thầm lặng đó chính là người mẹ, người vợ dịu hiền, đảm đang, đã động viên tinh thần và ý chí cho chồng, con lên đường đánh giặc, cùng chồng con chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân Hải Dương luôn đặt công tác “đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân. Đặc biệt, nhằm tôn vinh các bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tỉnh đã cống hiến những người thân yêu nhất của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, ngày 08 tháng 11 năm 2011 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ra thông báo số 361 về việc: Sưu tầm tư liệu, nghiên cứu biên soạn, in, phát hành cuốn sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Hải Dương”
Cuốn sách“ Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Hải Dương” gồm 588 trang, được in trên khổ sách 19 x 27 cm. Cuốn sách được Hà Huy Chương thiết kế bìa với nền phông màu đỏ thắm nổi bật lên dòng chữ: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” màu vàng. Đó cũng là hình ảnh tượng trưng của lá cờ đỏ sao vàng linh hồn của Tổ quốc.
Nội dung cuốn sách giới thiệu về tiểu sử, công trạng, ảnh và thông tin liên quan đến liệt sĩ là thân nhân của 1.645 Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Hải Dương(tính đến ngày 31/12/2012) được sắp xếp theo từng xã, phường, thị trấn và từng huyện, thị xã, thành phố. Cuốn sách cũng tập hợp và đăng tải được 328 ảnh chân dung của các Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Hải Dương. Đồng thời là bài viết về truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh Hải Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc mỹ và bảo vệ Tổ quốc.
Cấu trúc nội dung cuốn sách được chia làm 3 phần:
Phần1: Lời giới thiệu - là bài viết ngắn gọn, súc tích của đồng chí Bùi Thanh Quyến, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ,Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh
Phần 2: Truyền thống cách mạng của nhân dân Tỉnh hải Dương trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, đế quốc Mĩ và bảo vệ Tổ quốc.
Phần 3: Giới thiệu 1645 bà mẹ Việt Nam anh hùng của 11 huyện, thành phố, thị xã của Tỉnh Hải Dương. Trong đó Huyện Tứ Kỳ có 213 Bà Mẹ Việt nam anh hùng khắp đều các xã, xã Đại Hợp có Mẹ Trương Thị Khôi, mẹ có con độc nhất là liệt sỹ Phạm Đình Hàm, Mẹ Trịnh Thị Lược cũng có con độc nhất là liệt sỹ Đoàn Đình Đảm, rất nhiều mẹ có 2-3 con đều là liệt sỹ như mẹ Phạm Thị Cát ở xã Kỳ Sơn có cả ba con là liệt sỹ, mẹ Phạm Thị Vẹt tại xã Hà Kỳ cũng cả 3 con là liệt sỹ, mẹ Nguyễn Thị Cánh tại Hà Thanh có 2 con đều là liệt sỹ và rất nhiều các mẹ khác trong huyện…
Cuốn sách ra đời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin, ý chí cách mạng, nêu cao truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH của cán bộ, đảng viên các thế hệ sau tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương Hải Dương ngày càng giàu đẹp văn minh.
Hàng năm, Trường THCS Quảng Nghiệp chúng ta thường tổ chức cho các em học sinh trong toàn trường ra Viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm các bia tưởng niệm và cũng là dịp cho các em học sinh ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, thấy được những hy sinh, cống hiến to lớn của bao thế hệ cha ông, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, nhất là thế hệ trẻ phải ý thức được rằng để có được cuộc sống hoà bình, độc lập ngày hôm nay, cha ông ta đã phải trải qua bao gian nan, bao đau thương, máu và nước mắt của bao người đã đổ xuống. Vì vậy chúng ta hãy thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của mình với những người có công với đất nước, ra sức học tập, rèn luyện đạo đức để góp phần xây đắp quê hương, “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.
Nếu lịch sử người Việt là lịch sử của các cuộc chiến tranh bảo vệ vững chắc từng tấc đất của Tổ quốc, thì đó cũng là lịch sử sự hy sinh vô bờ bến của hàng triệu bà mẹ Việt Nam âm thầm tiễn con ra trận, những nỗi đau, sự mất mát hy sinh không gì bù đắp. Hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc, hy sinh mang lại sức sống bất diệt cho Tổ quốc. Và trên mọi miền Tổ quốc còn biết bao Mẹ VNAH hồn hậu, tảo tần, lặng thầm với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để góp phần thêu dệt nên trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc. Thương con nhưng sẵn sàng chấp nhận chia ly, tiễn con lên đường vì hòa bình, độc lập của đất nước. Để rồi một mình Mẹ lo kinh tế gia đình, làm hậu phương vững chắc cho chồng, cho con nơi chiến trận. Có mẹ còn đào hầm nuôi giấu cán bộ, có mẹ làm giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men cũng có mẹ trực tiếp cầm súng chiến đấu... Nợ nước, thù nhà không cho phép mẹ gục ngã. Các mẹ vẫn ngày đêm âm thầm, đóng góp cho cách mạng. Ngày chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, mẹ vui với niềm vui chung của dân tộc nhưng lại đau - nỗi đau riêng vì chồng, vì con mình vĩnh viễn không về sum họp. Có bao người ra đi không trở lại là có bấy nhiêu người vợ, người mẹ không thể gặp lại chồng, con mình. “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im”…câu hát trong bài “Đất nước” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn phần nào khắc họa được niềm tự hào, sự hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng dành cho quê hương. Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương lòng của những người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh cho Tổ quốc vẫn chưa nguôi ngoai…Những người mẹ, người vợ kiên cường, bất khuất, sẵn sàng nhận lấy nỗi đau cho riêng mình để mang lại hòa bình cho đất nước. Thế hệ hôm nay rất tự hào về mẹ - những Mẹ Việt Nam anh hùng.